http://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vN

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

[Tin Công Giáo] Chương trình viếng thăm Albania của Đức Thánh Cha Phanxicô


WHĐ (01.08.2014) – Ngày 31-07, Toà Thánh đã công bố chương trình chuyến viếng thăm Albania của Đức Thánh Cha Phanxicô – sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng 9 năm 2014. Đây là chuyến thăm thứ hai của một vị Giáo hoàng đến Albania, sau chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1993.
Sau khi máy bay chở Đức Thánh Cha hạ cánh tại sân bay quốc tế “Mẹ Teresa” ở Tirana, Đức Thánh Cha sẽ được Thủ tướng Albania Edi Rama chào đón. Từ sân bay, Đức Thánh Cha sẽ đến Dinh Tổng thống để thăm xã giao Tổng thống Bujar Nishani; sau đó, ngài sẽ gặp gỡ các đại diện của chính quyền dân sự.
Cao điểm của chuyến tông du là Thánh Lễ tại Quảng trường Mẹ Teresa, tiếp theo là buổi đọc kinh Truyền Tin. Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các giám mục Albania trong bữa ăn trưa tại Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh.
Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ gặp các vị lãnh đạo của các tôn giáo khác và các giáo phái Kitô giáo tại Đại học Công giáo “Đức Mẹ chỉ bảo Đàng lành”
Buổi tối Đức Thánh Cha đến Nhà thờ chính toà Thánh Phaolô để cử hành giờ Kinh chiều với các linh mục, nam nữ tu sĩ, chủng sinh, và các thành viên của nhiều phong trào giáo dân.
Sự kiện cuối cùng trong chuyến tông du kéo dài một ngày với lịch làm việc dày đặc là gặp gỡ các trẻ em thuộc Trung tâm Betania, cùng với các đại diện của các tổ chức bác ái khác của Albania.
Mặc dù chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Albania lần này là chuyến viếng thăm lần thứ hai của một vị giáo hoàng đương nhiệm, nhưng có bốn vị Giáo hoàng khác đã từng có những mối liên hệ với quốc gia này: Đức giáo hoàng Eleutherius, Thánh giáo hoàng Caius, và Đức giáo hoàng Gioan IV đều sinh ra tại miền đất hiện nay là Albania, và tổ tiên của Đức giáo hoàng Clement XI cũng xuất thân từ quốc gia này.
Cần nhắc lại, sau buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 15-06-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bất ngờ thông báo: “Nhận lời mời của các giám mục và chính phủ Albania, tôi sẽ đi Tirana vào Chúa nhật 21 tháng Chín. Với chuyến đi ngắn ngủi này, tôi muốn củng cố Giáo hội tại Albania trong đức tin và bày tỏ ​​sự khích lệ cũng như lòng yêu mến của tôi đối với một Đất nước từ lâu đã phải gánh chịu những hậu quả của các ý thức hệ đã qua”.
(Nguồn: WHĐ - Theo Vatican Radio)

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

[Tin Công Giáo] Toà Thánh công bố ngày Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Sri Lanka và Philippines

 

Hôm thứ Ba 29-07, Phòng Báo chí Toà Thánh đã ra thông cáo chính thức xác nhận ngày tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Sri Lanka và Philippines.

Nhận lời mời của các chính quyền và các Hội đồng Giám mục của hai quốc gia này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đến Sri Lanka từ ngày 02 đến ngày 15 tháng Giêng và đến Philippines từ ngày 15 đến ngày 19 tháng Giêng năm 2015. Chương trình chuyến tông du sẽ sớm được công bố.
(Nguồn: WHĐ - Theo Vatican Radio)

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Tại sao chúng ta ít khi được rước cả Mình Thánh và Máu Thánh Chúa ?

Giáo Hội khuyến khích việc chịu lễ Mình và Máu Thánh Chúa, vì hoàn toàn phù hợp với lời mời của Chúa Giêsu : "Hãy cầm lấy mà ăn", "Hãy cầm lấy mà uống".

Nhưng khi có nhiều người tham dự thánh lễ, việc cho rước lễ dưới hai hình bánh và rượu gặp nhiều khó khăn cụ thể. Đó là lý do giải thích tại sao hiếm khi bạn được rước lễ dưới hai hình thức. Mong rằng trong các dịp lễ trọng, và khi có nhiều thừa tác viên cho rước lễ, giáo dân được rước cả Mình và Máu Thánh Chúa.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây, là khi bạn chỉ rước Mình Thánh Chúa hoặc chỉ rước Máu Thánh Chúa, bạn đều rước Chúa Giêsu Kitô trọn vẹn. Người hiện diện thật sự và trọn vẹn ngay chỉ dưới một hình thức (Sắc lệnh của Công Đồng Trentô (hoặc Triđentinô), khóa họp 13, năm 1551).
Có người đặt câu hỏi : có thể rước lễ nhiều lần trong ngày được không ? Theo Giáo Luật mới (1983), số 917, ai đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ một lần nữa trong ngày đó, nhưng chỉ ở trong thánh lễ mà họ tham dự mà thôi.

( Theo Giải đáp về Phụng vụ )


Nghe thêm: Tại sao giáo dân không được Rước Máu Thánh trong phần hiệp lễ?

[Tham khảo] Ý nghĩa các con số trong Sách Khải Huyền

 photo bible-1.jpg
Email: josleminhthong@gmail.com
Ngày 23 tháng 10 năm 2011.
Cập nhật ngày 27 tháng 02 năm 2014.
Nội dung

Dẫn nhập
I. Ý nghĩa các con số
II. Ý nghĩa con số 666 và 616
     1. Hai cách hiểu mã số 666
     2. Bốn cách hiểu mã số 616
Kết luận


Dẫn nhập

Sau khi quan sát các con số qua bài viết “Những con số trong Sách Khải Huyền”, bài này trình bày ý nghĩa tổng quát các con số. Không phải tất cả các con số đều có nghĩa biểu tượng, vì thế khi áp dụng ý nghĩa các con số vào một câu văn cụ thể, cần quan sát bối cảnh văn chương và bối cảnh thần học của mạch văn để tìm ra cách hiểu thích hợp về các con số trong câu văn.

Phần sau sẽ trình bày ý nghĩa biểu tượng của các con số: “1/3 bị phá hại”, “1 giờ”, “42 tháng”, “1.260 ngày”, “1 thời, 2 thời và nửa thời”, “số 3”, “số 4”, “6 cánh”, “số 7”, “số 12”, “24 vị Kỳ Mục”, “1.000 năm”, “12.000 người”, “144.000 người”, “12.000 dặm”, “200.000.000 kị binh”, “Vạn vạn, ngàn ngàn”. Riêng mã số 666 hay 616, có nhiều cách giải thích con số này, nên được trình bày trong một mục riêng.

I. Ý nghĩa các con số

+ Số 1/3

“1/3 (một phần ba)” là kiểu nói giảm nhẹ, theo nghĩa 1/3 bị thiêu huỷ, còn hai phần thì không. Hình phạt giáng xuống trên 1/3 loài người, còn hai phần ba được thoát khỏi. Qua kiểu nói 1/3, bản văn mời gọi độc giả sám hối để được cứu. 

+ 1 giờ

“1 giờ” tượng trưng cho sự chóng qua, ngắn ngủi. Các vua chúa khóc than thành Ba-by-lon sụp đổ như sau: “Khốn thay, khốn thay, thành phố vĩ đại, Ba-by-lon, thành phố hùng cường, vì trong một giờ, án phạt dành cho ngươi đã đến” (Kh 18,19). Các trích dẫn lấy trong Sách Khải Huyền Hy Lạp – Việt.

“1 thời, 2 thời và nửa thời”, 42 tháng, 1.260 ngày.

42 tháng = 1.260 ngày (= 3 năm rưỡi), tương đương kiểu nói: “1 thời, 2 thời và nửa thời”. Những con số thời gian này gợi đến thời kỳ vua An-ti-ô-khô IV Ê-pi-pha-nê đã bách hại người Do Thái ba năm rưỡi (Đn 7,25; 12,7). Những con số trên trong sách Khải Huyền biểu tượng cuộc bắt bớ các Ki-tô hữu trong một khoảng thời gian không kéo dài (Lc 4,25; Gc 5,17).

+ Số 3

“Số 3” biểu tượng sự hoàn hảo. Thành Giê-ru-sa-lem mới được mô tả như sau: “Hướng đông ba cổng, hướng bắc ba cổng, hướng nam ba cổng và hướng tây ba cổng” (Kh 21,13). Trong câu này 3+3+3+3 = 12.

+ số 4

“Số 4” biểu tượng địa cầu, 4 hướng: đông, tây, nam, bắc; 4 hướng gió. 4 thiên sứ tượng trưng cho bốn thiên sứ cai quản thế giới. Tác giả Sách Khải Huyền kể: “Sau điều ấy, tôi thấy bốn thiên sứ đứng ở bốn phương của mặt đất, giữ lại bốn ngọn gió của đất để không ngọn gió nào thổi trên đất, trên biển cũng như trên mọi cây cối” (7,1).

+ 6 cánh

“6 cánh” gợi đến các Xê-ra-phim trong Is 6,1-3: “1Năm vua Út-di-gia-hu băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. 2Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay. 3Các vị ấy tung hô với nhau rằng: ‘Thánh, Thánh, Thánh, ĐỨC CHÚA các đạo binh. Cả mặt đất đầy vinh quang của Người’.”

+ Số 7

“số 7”, biểu tượng sự hoàn hảo, trọn vẹn. Chẳng hạn, thư gửi đến 7 Hội Thánh (1,4.11.20a.20b), với 7 hoàn cảnh khác nhau ám chỉ đến tất cả các Hội Thánh qua mọi thời đại. Trong lời tung hô ở Kh 7,12, liệt kê 7 đặc tính của Thiên Chúa: “A-men, lời chúc tụng, vinh quang, khôn ngoan, lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh thuộc về Thiên Chúa chúng ta đến muôn thuở muôn đời, a-men” nhằm diễn tả sự trọn hảo nơi Thiên Chúa.

+ Số 12

“Số 12” ám chỉ 12 chi tộc Ít-ra-en, 12 Tông Đồ. Số 12 tượng trưng sự viên mãn, hoàn hảo.12 Tông Đồ của Con Chiên là nền móng của Hội Thánh. Con số 12 biểu tượng của Hội Thánh được dùng để mô tả Thành Giê-ru-sa-lem mới: 12 nền móng thành Giê-ru-sa-lem mới (21,14), 12 cổng, 12 viên ngọc trai (21,21).

+ 24 vị Kỳ Mục

“24 vị Kỳ Mục”, có lẽ ám chỉ 12 chi tộc Ít-ra-en (Cựu Ước) và 12 Tông Đồ (Tân Ước). Các vị “mặc áo trắng” và “đội triều thiên bằng vàng” (4,4) là biểu tượng của những kẻ chiến thắng. Tác giả Sách Khải Huyền mô tả: “Chung quanh ngai hai mươi bốn ngai khác, và trên những ngai đó hai mươi bốn vị Kỳ Mục đang ngồi, mình mặc áo trắng, và trên đầu của các vị có triều thiên bằng vàng” (4,4). Các chữ in nghiêng trong Kh 4,4 là không có trong tiếng Hy Lạp, xem quy ước trong trích đoạn Sách Khải Huyền Hy Lạp – Việt.

+ 1.000 năm

“1.000 năm” không hiểu theo nghĩa đen (10 thế kỷ) mà hiểu theo nghĩa tượng trưng: 1.000 năm chỉ một giai đoạn lâu dài (Đnl 7,9; Tv 105,8; 2Pr 3,8). Có thể hiểu 1.000 năm ở Kh 20,1-6 là giai đoạn hiện thời, kể từ lúc Đức Giê-su Phục Sinh cho đến nay. Trong giai đoạn này, Đức Giê-su đã ban tặng cho các Ki-tô hữu sự sống mới, sự sống đích thực, sự sống của Thiên Chúa (Kh 2,7; Ga 6,40; 20,31; Cl 2,12; 3,1.3).

+ 12.000 người

“12.000 người” được đóng ấn (7,5) là số người cho mỗi chi tộc trong 12 chi tộc Ít-ra-en, đây là con số tượng trưng sự viên mãn, hoàn hảo.

+ 144.000 người

“144.000 người” = 12 chi tộc x 12.000 người, chỉ “số sót” (những người còn sót lại) của dân Chúa và của Hội Thánh. Tác giả Sách Khải Huyền cho biết: “Rồi tôi nghe con số những người được đóng ấn: Một trăm bốn mươi bốn ngàn. Những người được đóng ấn thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en” (7,4).

+ 12.000 dặm

“12.000 dặm”. Đây là số đo mỗi chiều (dài, rộng, cao) của thành Giê-ru-sa-lem mới (21,16): 12.000 dặm = 12 x 1.000. Trong đó, con số 12 là biểu thị dân Ít-ra-en mới và con số 1.000 chỉ sự đông đảo.

+ 200.000.000 kị binh

“200.000.000 kị binh” (9,16), dịch sát: “Một vạn lần hai vạn” = 10.000 x 20.000 = 200.000.000. Có lẽ con số này ám chỉ đạo quân kị binh người Pác-thy. Đây là một số quân quá lớn so với thực tế thời Sách Khải Huyền, vì thế, nên hiểu con số này theo nghĩa biểu tượng, diễn tả một sức mạnh vô cùng lớn.

+ Vạn vạn, ngàn ngàn

“Vạn vạn, ngàn ngàn” (5,11) là kiểu nói diễn tả một số lượng rất lớn, không thể đếm xuể. Tác giả mô tả cảnh hùng vĩ trong thị kiến: “Tôi thấy, và tôi nghe tiếng của nhiều thiên sứ ở chung quanh ngai, các sinh vật và các Kỳ Mục. Số các thiên sứ là vạn vạn, ngàn ngàn” (5,11).

II. Ý nghĩa con số 666 và 616

Kh 13,18, nói đến mã số của Con Thú là con số 666, tác giả viết: “Ai có trí khôn hãy tính ra mã số của Con Thú, vì đó là mã số của một người, và mã số của người ấy là sáu trăm sáu mươi sáu” (Kh 13,18). Một số thủ bản Hy Lạp như C, Irmss viết con số đó là 616. (Xem ký hiệu các thủ bản trong Nestle-Aland, Novum Testamentum Graece, (27è édition), Stuttgart, Deutsche Bibelgesellschaft, 1996). Có lẽ dị bản con số 616 xuất hiện muộn thời hơn và đã sửa lại con số 666.

Có thể giải thích hai con số 666 và 616 như thế nào? Có nhiều cách giải thích, nhưng tất cả đều ám chỉ các hoàng đế của đế quốc Rô Ma vào thế kỷ I. Điều này phù hợp với bối cảnh sách Khải Huyền: Các Ki-tô hữu bị bắt bớ vì không chấp nhận tôn thờ hoàng đế như một vị thần.

     1. Hai cách hiểu mã số 666

1) Các mẫu tự Híp-ri và Hy Lạp tương đương với một con số. Con số 666 là mã số tên của hoàng đế Nê-rô. Tên Hy Lạp của hoàng đế: “NERON KAISAR”. Tên gọi này chuyển sang phụ âm Híp-ri: QSR NRWN, các con số tương ứng của mẫu tự Híp-ri: (200+60+100) + (50+6+200+50) = 666. (Xem bảng mẫu tự Híp-ri và Hy Lạp với con số tương ứng của từng mẫu tự ở cuối Sách Khải Huyền Hy Lạp – Việt).

2) Cách hiểu thứ hai là số 6 = 7-1. Số 7 biểu tượng sự hoàn hảo, vì thế, 7-1 = 6 là biểu tượng của sự không hoàn hảo. Số 6 lặp lại 3 lần làm thành 666 cho thấy Con Thú hoàn toàn không có sự hoàn hảo. Nó sẽ thất bại hoàn toàn và phải lãnh án phạt (Kh 19,20).

     2. Bốn cách hiểu mã số 616

1) Tên gọi hoàng đế Nê-rô theo La Tinh: “NERO CAESAR” (hoàng đế năm 54–68), chuyển sang phụ âm Híp-ri: QSR NRW, các con số tương ứng của mẫu tự Híp-ri: (200+60+100) + (6+200+50) = 616.

2) Hoàng đế CALIGULA còn được gọi là GAIOS (hoàng đế năm 37–41). Tên gọi “GAIOS KAISAR” có các con số tương đương của mẫu tự Hy Lạp: (3+1+10+70+200) + (20+1+10+200+1+100) = 616. 

3) Danh xưng: “THEOS KAISAR” có các con số tương đương theo mẫu tự Hy Lạp: (9+5+70+200) + (20+1+10+200+1+100) = 616. Danh xưng “THEOS KAISAR” có nghĩa: “Hoàng đế Thiên Chúa”, danh xưng này áp dụng cho tất cả các hoàng đế  tự xưng mình là một vị thần, là Thiên Chúa.

4) Hoàng đế Đô-mi-xi-a-nô, tiếng La Tinh: DOMITIANUS CAESAR (hoàng đế năm 81–96), có ghi trên con ấn của mình ký hiệu: DC XVI, có nghĩa là trị vì (DC) năm thứ 16 (XVI). Nếu xem DC là con số La Mã, thì DCXVI = 500+100+10+5+1 = 616.

Ghi chú: Tên các hoàng đế Rô Ma, thế kỷ I và đầu thế kỷ II: Octavien Auguste (-27–+14), Tibère (14–37), Gaios Caligula (37–41), Claude (41–54), Néro (54–68), Galba (68), Vespasien (69–79), Titus (79–81), Domitien (81–96), Nerva (96–98), Trajan (98–117), Hadrien (117–138).

Kết luận

Ý nghĩa của các con số trên đây giúp hiểu nội dung mặc khải trong Sách Khải Huyền, không nên áp dụng ý nghĩa các con số cách máy móc. Hiểu các con số theo nghĩa nào còn tuỳ thuộc bối cảnh văn chương và bối cảnh thần học riêng của đoạn văn, cũng như bối cảnh văn chương và bối cảnh thần học chung của toàn bộ Sách Khải Huyền. Vì thế, cần áp dụng ý nghĩa các con số cách uyển chuyển và sáng tạo.

Chẳng hạn, khi bản văn mô tả “Con Mãng Xà có 7 đầu 10 sừng” (Kh 12,3), có thể hiểu bản văn ám chỉ sức mạnh của nó. Số 7 biểu tượng sự hoàn hảo: “7 đầu” nghĩa là rất khôn ngoan. 10 sừng (= 7 + 3 sừng), nói lên sức mạnh tàn phá lớn lao của nó, vì số 3 cũng biểu tượng sự hoàn hảo. Với sức mạnh như thế nó có khả năng “mê hoặc toàn thể địa cầu” (12,9). Tuy thế, sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa vẫn lớn hơn, cụ thể là một thiên sứ đã “Bắt lấy Con Mãng Xà và xích nó lại 1.000 năm...” (20,1-2).

Kiểu trình bày trên đề cao quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa. Qua những con số, bản văn vừa là lời cảnh báo về sức tàn phá của thế lực sự dữ, vừa là lời động viên các Ki-tô hữu trong hoàn cảnh khó khăn. Kết luận thần học có thể rút ra là: Dù thế lực sự dữ có mạnh mẽ tới đâu, cũng sẽ thất bại trước quyền năng của Thiên Chúa. Qua đó, các Ki-tô hữu được mời gọi kiên vững trong thử thách. Sách Khải Huyền mặc khải cho độc giả biết về quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời thần học Sách Khải Huyền khẳng định: Chiến thắng chung cuộc thuộc về Thiên Chúa và thuộc về những ai trung tín với Người cho đến cùng. Tóm lại, ý nghĩa biểu tượng của các con số góp phần trình bày mặc khải./.
 

Tin Lành có Bí Tích Thánh Thể không?




Một số giáo phải Tin Lành có nghi thức bẻ bánh và uống rượu. Đây có phải là bí tích Thánh Thể tương tự như của Giáo hội Công Giáo không ?

Trước khi trả lời câu hỏi này, xin được nói qua một lần nữa về các giáo phái chưa hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo.

I- Giáo Hội Chính Thông Đông Phương ( Eastern Orthodox Churches)

Cho đến nay, các Giáo Hội này vẫn chưa hiệp thông trọn vẹn (full communion) với Giáo Hội Công Giáo mặc dù cả hai đều có chung nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic Succession) và cùng hiệp thông cho đến biến cố năm 1054 khi xẩy cuộc ly giáo Đông –Tây (East –West Schism) giữa Rôma tức Giáo Hội Công Giáo Tây Phương và Contantinople tức Công Giáo Đông Phương.
Từ đó đến nay nhiều cố gắng đã được thực hiên để nối lại sự hiệp thông giữa hai Giáo Hội anh em này, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn chưa vượt qua được, nên hai Giáo Hội vẫn chưa hiệp thông trọn vẹn với nhau như các vị lãnh đạo hằng mong muốn và cầu xin..
Tuy nhiên, vì cùng có chung nguồn gốc Tông Đồ, nên các Giáo Hội Chính Thông Đông Phương (ở các Nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Hy Lạp, Bảo gia Lợi ( Bulgaria) Rumania, Cyprus, Serbia…) và Giáo Hội Công Giáo Rôma đều có các bí tích hữu hiệu mà Chúa Kitô đã thiết lập như phương tiện cần thiết để thông ban ơn cứu độ của Chúa cho các tin hữu hiệp thông trong các Giáo Hội này.
Vì thế, trong trường hợp cần kíp mà không tìm được nhà thờ hay linh mục Công Giáo, thì các tin hữu Công Giáo được phép tham dự phụng vụ thánh ở nhà thờ Chính Thống để lãnh các bí tích quan trọng như hòa giải và thánh thể ở đây, vì Giáo Hội Chính Thống Đông Phương cũng có tất cả các bí tích hữu hiệu này như Công Giáo. Nói rõ hơn, chỉ trong trường hợp khẩn cấp, các tín hữu Công giáo mới được phép lãnh các bí tích hòa giải, Thánh Thể và sức dầu bệnh nhân nơi các tư tế (linh mục ) Chính Thống, nếu không tìm được linh mục Công Giáo hoặc nhà thờ Công Giáo.

II- Các giáo phái Kitô khác như Anh Giáo (Anglican Cummunion) và các nhánh Tin Lành nói chung

Đó là các giáo phái Lutherans, Baptists, Methodists, Church of Christ, Fundamentalists, Pentecostals Evangelicals , v.v.. Tất cả đều không có nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic succession) mặc dù họ tin Chúa,(God) nhận Chúa Kitô là Đấng Cứu thế (Savior) và dùng Kinh Thánh làm nền tảng cho sứ vụ giảng dạy (preaching ministry) của họ. Nhưng họ cắt nghĩa Kinh Thánh theo cách hiểu riêng của họ, nên có sự khác biệt giữa Giáo Hội Công Giáo và các giáo phái Tin lành , kể cả Anh Giáo về việc giải thích và áp dụng Kinh Thánh.
Một sự kiện đáng chú ý trong hai năm qua là đã có một số đông các tín hữu và giáo sĩ Anh Giáo xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo và được hoan hỉ đón chào. Đức Thánh Cha Bê-nê-đictô 16 ban hành Tông Thư Anglicanorum ngày 9-11-2009 cho phép thành lập Giáo Hạt Tòng Nhân để đón chào các tín hữu Anh giáo gia nhập Công Giáo nhưng vẫn được phép duy trì một số nghi thức phụng vụ theo văn hóa và truyền thống lâu đời của họ. Tuy nhiên, vì Anh Giáo không có các bí tích hữu hiệu như đã nói ở trên, nên các linh mục hay giám mục Anh Giáo trở lại Công Giáo, đều phải theo học thêm về chuyên môn trước khi được thụ phong linh mục Công Giáo. Cụ thể, ngày 15-1-2011 vừa qua, ba cựu giám mục Anh Giáo đã được thụ phong linh mục Công Giáo tại Thánh Đường Westminster,Luân Đôn, và một trong ba linh mục này, cha Keith Newton, đã được cử làm Quản hạt tòng nhân Đức Mẹ Walsingham để phục vụ cho các cựu tín hữu Anh Giáo nay đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo và đang sống trong các Giáo Phận Công Giáo ở Anh và xứ Wales.
Riêng các cựu tín hữu Anh Giáo thì chỉ cần tuyên xưng đức tin Công Giáo vã lãnh nhận bí tích Thêm sức trong nghi thức đêm Vọng Phục Sinh cùng với các tân tòng khác (catechumens) để trở thành tín hữu Công Giáo. Họ không phải rửa tội lại vì Giáo Hội nhìn nhận phép Rửa của Anh Giáo và đa số các giáo phái Tin Lành khác, nếu họ làm phép Rửa (baptism) bằng nước và Công thức Chúa Ba Ngôi.
Một điểm quan trọng nữa là tất cả các giáo phài Tin Lành và Anh Giáo đều không có các nguồn chân lý khác, ngoài Kinh Thánh, như Mặc khải (Revelation) và Thánh Truyền (Tradition) mà Giáo Hội Công Giáo được thừa hưởng và dựa vào đó để có thêm nguồn chân lý cho sứ vụ giảng dạy giáo lý đức tin mà Chúa Kitô đã giảng dạy và mặc khải cho các Tông Đồ để lưu truyền lại cho các thế hệ sau.
Chính vì họ không có các bí tích quan trọng và hữu hiệu như Thánh Thể , Hòa giải và Truyền Truyền Chức Thánh (Holy Orders) nên họ không có hàng tư tế (Sacerdos) phẩm trật và có chức thánh là Giám mục và Linh mục để cử hành hữu hiệu các bí tích hòa giải, Thêm sức, Thánh Thể, Xức Dầu và Truyền Chức Thánh như trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Đông Phương..
Nói rõ hơn, họ không thể có Bí Tích Thánh Thể được, vì họ không có chức Linh Mục (priesthood) hữu hiệu để có thể cử hành Thánh lễ Ta Ơn (Eucharist) qua đó , Chúa Kitô lại một lần nữa hiện diện nơi thừa tác viên có chức thánh (giám mục hay linh mục) để biến bánh và rượu nho thành Mình và Máu Chúa như Người đã làm lần đầu tiên trong Bữa tiệc ly, trước ngày Người thọ nạn thập giá để hoàn tất công cuộc cứu chuộc cho nhân loại.
Về điểm này, Giáo luật số 900, triệt 1 nói rõ như sau:
“Chỉ duy có tư tế đã được truyền chức hữu hiệu (validly) làm thừa tác viên hiện thân của Chúa Kitô mới có khả năng cử hành Bí Tích Thánh Thể. “
Nghĩa là nếu không có chức Linh mục hữu hiệu thì không thể có Bí tích Thánh Thể được. Cũng vì lý do quan trọng này mà có thể nói là chức Linh Mục được lập ra, về một phương diện, là để phục vụ cho Bí Tích Thánh Thể để Chúa Kitô “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” ( Mt 28: 20). Mặt khác , cũng qua tác vụ của thừa tác viên có chức linh mục, Chúa Kitô tiếp tục dâng Hy Tế đền tội cách mầu nhiệm lên Chúa Cha để xin tha tội lỗi cho con người ngày nay cùng thể thức và mục đích như khi xưa Chúa dâng Hy Lễ lần đầu tiên trên thập giá và nay trên bàn thờ mỗi khi Thánh Lễ Ta Ơn được cử hành ở bất cứ nơi nào trong Giáo Hội. Cho nên, chỉ có Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo Đông Phương có các bí tích hữu hiệu, đặc biệt là Bi Tich Thánh Thể, vì cả hai Giáo Hội này đều có Chức Linh Mục mà Chúa Kitô đã thiết lập trong Bữa tiệc ly đêm thứ năm để “anh em làm việc này mà nhớ đến Thầy.” ( 1Cor 11: 24; Lc 22: 19)
Một số giáo phái Tin Lành như Methodists, Lutherans, Baptists…có nghi thức bẻ bánh và uống rượu, căn cứ vào trình thuật được ghi trong các Tin Mừng về Bữa Ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với nhóm Mười Hai. Các mục sư Tin Lành cũng cầm bánh và đọc lời Chúa nói trong bữa tiệc ly đó, nhưng vì các vị này không có chức linh mục hữu hiệu nên lời họ đọc không thể biến bánh và rượu nho thành Mình và Máu Chúa Kitô như Linh mục đọc lời truyền phép (Consecration) trong Thánh lễ Tạ ơn của Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo.
Mặt khác, các giáo phái Tin Lành cũng không tin có sự biến đổi bản thể (Transubstantiation) của bánh và rượu như Giáo Hội Công Giáo và Chính Thông Giáo tin mỗi khi Thánh lễ Tạ ơn được cử hành và tư tế (giám mục hay linh mục) đọc lời truyền phép, tức thì bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô cách mầu nhiệm hay bí tích .
Như vậy, tin hữu Công Giáo nào, nếu vì xã giao, phải tham dự nghi thức cầu nguyện của anh em Tin Lành thì không nên hiệp thông với họ trong việc bẻ bánh và uống rượu vì đây không phải là Mình và Máu Chúa Kitô được ban qua Bí Tích Thánh Thể trong khuôn khổ Thánh lễ Tạ Ơn của Giáo Hội Công Giáo.
Vả lại, ăn uống như vậy cũng vô tình chia sẻ niềm tin của anh em Tin Lành về việc không có sự biến đổi bản thể (substance) của bánh và rượu như Giáo Hội Công Giáo tin mỗi khi cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn.
Việc bẻ bánh và uống rượu của anh em Tin Lành chỉ nhắc lại sự kiện Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể và Chức Linh mục thừa tác (Ministerial Priesthood), một điều rất quan trọng mà chỉ có Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống tin và cử hành thành sự, (validly) vì các tư tế Công Giáo và Chính Thống có chức linh mục hữu hiệu như đã nói ở trên. Các Giáo phái Tin Lành và Anh Giáo không có Chức linh mục này nên dù họ có đọc lời Chúa trong Bữa tiệc Ly thì bánh và rượu vẫn chỉ là bánh và rượu mà thôi, chứ không thể được biến đổi bản thể (Transubstantiation) để trở thành Mình và Máu Chúa Kitô được. Xin nhấn mạnh lại một lần nữa về sự kiện rất quan trọng này để tín hữu Công Giáo phân biệt giữa Bí tích Thánh Thể của Giáo Hội Công Giáo và nghi thức bẻ bánh và uống rượu của anh em Tin Lành.
Tóm lại, chỉ có Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Đông Phương có Bí Tích Thánh Thể, ngoài các bí tích hữu hiệu khác, vì các tư tế Công Giáo và Chính Thống được chia sẻ hữu hiệu chức Linh Mục của Chúa Kitô (Giám mục chia sẻ trọn vẹn, linh mục chia sẻ một phần Chức Linh Mục duy nhất của Chúa Kitô).

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

[Tin Công Giáo] Tân Giám Mục GP Mỹ Tho : Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm

WHĐ (26.07.2014) – Phòng Báo chí Tòa Thánh, trong Công báo ra ngày hôm nay thứ Bảy 26 tháng Bảy 2014, ở mục “Miễn nhiệm và Bổ nhiệm”, đã loan tin:
“Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm,
cho đến nay là Giám mục hiệu toà Trofimiana
và Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh,
làm Giám mục giáo phận Mỹ Tho (Việt Nam)”.

Dc_PheroKham.jpg   

TIỂU SỬ ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM     
      
02-10-1952: Sinh tại Đàn Giản, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội)
1963 – 1972: Học tại Tiểu chủng viện Thánh Quý, Cái Răng, Cần Thơ
1973 – 1976: Học tại Đại chủng viện Thánh Tôma, Long Xuyên
1977 – 1979: Học tại Đại chủng viện Thánh Giuse TP. HCM
30-08-1980: Thụ phong linh mục
1980 – 1983: Linh mục phụ tá giáo xứ Hà Đông, hạt Xóm Mới
1983 – 1987: Quản nhiệm giáo xứ Hà Nội, hạt Xóm Mới
1987 – 1999: Linh mục phụ tá Nhà thờ Chính toà Tổng giáo phận TP. HCM
1997:          Giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse TP. HCM
2001 – 2004: Học Thần học Mục vụ tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, tốt nghiệp tiến sĩ
2004 – 10/2012: Giám đốc Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận TP. HCM
Tháng 3-2008: Thư ký điều hành của Hội đồng Giám mục Việt Nam
15-10-2008: được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh – Châm ngôn Giám mục: “Hãy theo Thầy”
15-11-2008: Thánh lễ tấn phong Giám mục tại Đại chủng viện Thánh Giuse TP. HCM, do Đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ phong
6/2011 – 19/03/2012: Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse TP. HCM.
Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã đảm nhiệm các chức vụ: Phó Tổng Thư ký (nhiệm kỳ 2010–2013 và 2013–2016), Chủ tịch Uỷ ban Giáo dục Công giáo (2009–2010), Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông Xã hội (nhiệm kỳ 2010–2013).
 

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Đức Maria và Bí Tích Thánh Thể


Dưới chân thập giá, Chúa Giêsu đã trao phó thân mẫu Người cho Giáo Hội, đại diện là  người môn đệ yêu dấu (“này là Mẹ con”) và đồng thời, Người đã trao phó Giáo Hội cho Đức Maria (“Này bà, đây là con bà” –  Ga 19, 26-27). Được tràn đầy ân sủng, Đức Maria không hề giữ lấy cho riêng mình mối liên hệ đặc quyền nào với Chúa Giêsu, thậm chí Mẹ không hề thể hiện một biểu hiện nhỏ nào, dù là nhỏ nhất, của sự chiếm hữu. Trái lại, Mẹ hằng mong mỏi muốn chia sẻ với toàn thể Giáo Hội ân sủng đầy tràn của Mẹ và đặc biệt, mối liên hệ của Mẹ với con Mẹ. Ở đây, dựa vào thông điệp Ecclesia de Eucharistia (Giáo Hội Sống Nhờ Thánh Thể) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta sẽ học nơi Mẹ để biết thế nào là kết hợp với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.
Thiên Chúa không ép buộc Đức Maria phải làm Mẹ  của Con của Người; nhưng Người chờ đợi sự ưng thuận tự do của Mẹ cho cuộc nhập thể. Cũng tương tự như thế, Chúa Giêsu Thánh Thể không tự ý ngự vào thân thể và tâm hồn ta. Người chỉ ngự vào lòng ta khi ta khao khát mời Người đến và biến đổi ta. “Có một sự tương đồng sâu sắc giữa tiếng FIAT (xin vâng) của Mẹ Maria khi ngài đáp lời thiên sứ với tiếng AMEN mà mọi tín hữu đáp lại khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa .” (Ecclesia de Eucharistia, 55).




Chỉ khi Mẹ Maria cất lên lời “xin vâng”, cuộc nhập thể của Thiên Chúa vào nhân loại và vào lịch sử mới bắt đầu. Như một sự mở rộng tiếng xin vâng của Mẹ Maria, chúng ta hãy khao khát và cầu xin Chúa Kitô ngự vào tận đáy lòng ta qua bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không có ý định chỉ cư ngụ ở trong ta mà thôi nhưng, hiểu theo nghĩa loại suy, Người còn muốn được sinh ra trong ta và từ nơi ta nữa. Bằng việc cư ngụ, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đang hiện diện, mà thực tế là hiện diện một cách sống động trong ta. Tuy nhiên, hình ảnh Chúa Giêsu sinh ra trong ta ngụ ý muốn nói rằng Chúa Giêsu làm nên thân thể của Người theo khuôn mẫu thân thể của ta. Nghĩa là lời nói của ta, cái nhìn của ta, nụ cười của ta, nước mắt của ta, một cách nào đó biểu lộ lời nói của Người, cái nhìn của Người, nụ cười của Người, nước mắt của Người.

      Ngay sau khi mang thai Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã vội vã  lên đường đi thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét. Khi chúng ta mang Mình Thánh cho người bệnh, chúng ta có  thể nghĩ đến việc Mẹ Maria đã cưu mang Chúa Giêsu trong bụng ra sao khi vượt qua những vùng đồi núi xứ Giu-đê-a. Có lẽ Mẹ không thể nói lên bằng lời cái cảm nghiệm của Mẹ, nhưng chắc chắn, một cách trực giác, mẹ biết rằng Mẹ đang cưu mang chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và là Đấng Cứu Độ của Mẹ. Có thể Mẹ rất lấy làm kinh ngạc về sự khiêm nhường của Thiên Chúa, một Thiên Chúa đã trao HAGION, Mầu Nhiệm Thánh của chính Bản Thể Người, cho Mẹ. Khi ta mang Mình Thánh Chúa trong người, thậm chí ta có thể nghĩ đến một sự khiêm nhường lớn lao hơn, đó là Chúa Kitô đã trở nên thật nhỏ bé vì chúng ta và hoàn toàn phó thác chính mình trong bàn tay ta. Để rồi sau đó chúng ta có quyền hoặc mang Người đến cho bất cứ ai ta muốn, hoặc từ chối mang Người đến cho ai đó; chúng ta có thể tôn thờ hoặc lăng mạ Người (Đương nhiên, chúng ta không thể làm hại Người dưới những dấu chỉ bí tích, nhưng chắc chắn chúng ta có thể đoạn tuyệt và báng bổ Người).

      Như Mẹ Maria đã đến viếng thăm và  chào bà Ê-li-sa-bét, chúng ta cũng phải loan báo Tin Mừng. Chúng ta không chỉ mang trong mình một thông điệp, một giáo huấn, một nhân sinh quan, một tư tưởng, nhưng hơn thế, chúng ta mang chính Chúa Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh, chịu chết và đang hiện diện ở giữa chúng ta ngày hôm nay. Dĩ nhiên, việc loan báo Lời phải đi trước Bí tích Thánh Thể, tuy nhiên chỉ nhờ Bí Tích Thánh Thể tiến trình Phúc Âm hóa mới được hoàn thành. Như bà Ê-li-sa-bét đã ôm lấy Chúa Giêsu qua Mẹ Maria, người ta cũng sẽ chấp nhận Chúa Giêsu qua chứng tá của chúng ta về bí tích Thánh Thể.

      Mẹ Maria, khi ngắm nhìn “quả phúc bởi lòng Mẹ”, chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu mới sinh là chính con Mẹ, là thịt bởi thịt Mẹ, mắt bởi mắt Mẹ  thì cũng đồng thời tôn thờ Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Cứu Độ của Mẹ.

      Khi chúng ta lãnh nhận Chúa Kitô trong Thánh Lễ  hay khi chúng ta viếng Thánh Thể, chúng ta hãy xin Mẹ Maria cho chúng được chia sẻ tình yêu và sự ngạc nhiên của Mẹ. Con Thiên Chúa đã trở nên nhỏ bé và tầm thường vì chúng ta bao nhiêu – chỉ một tấm bánh nhỏ và vài giọt rượu nho rất dễ bị coi thường và vứt bỏ – thì tình yêu và lòng tôn kính của chúng ta với Người càng phải lớn bấy nhiêu. Chúa Giêsu ở lại trong tâm hồn ta không còn với sự hiện diện thể lý đầy đủ như trong Bí Tích Thánh Thể, nhưng Người ở lại trong ta qua quyền năng biến đổi của Người. Trong cả những khi công việc căng thẳng lẫn những lúc vui chơi giải trí, chúng ta nên thi thoảng trở về với tâm hồn của mình, nơi Chúa các chúa và trung tâm của vũ trụ đang hoạt động trong ta. Chúng ta hãy để cho Mẹ Maria dạy chúng ta suy đi nghĩ lại và chiêm niệm những lời của Chúa Giêsu, ngõ hầu chúng ta ngày càng thấm nhuần mầu nhiệm của Người.

      Khi Mẹ Maria dâng con mình cho Thiên Chúa trong Đền thờ, ông Si-mê-on đã nói tiên tri rằng, con Mẹ  sẽ nên dấu hiệu cho người đời chống báng và  một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ. Như thế, con trẻ Giêsu được hiến dâng trong Đền thờ tượng trưng cho của lễ hy sinh. Hoàn toàn trinh trắng và đầy tràn ân sủng, Mẹ Maria hiểu rõ hơn ai hết trong chúng ta sự mâu thuẫn và xung đột giữa Chúa Giêsu và thế gian, đang nằm dưới ách thống trị của ma quỉ. Chỉ mình Mẹ là người đồng cảm và “đồng chịu đau khổ” với con Mẹ, bởi trên thế gian này chỉ mình Mẹ hiểu được sự dữ bởi tội lỗi của chúng ta đã làm cho con Mẹ đau khổ thế nào và Con Mẹ vẫn yêu thương chúng ta, những kẻ tội lỗi, đến cùng ra sao. Mẹ biết Chúa Giêsu đã tận tâm thờ lạy, tôn vinh và hòa giải với Chúa Cha thay cho chúng ta và vì chúng ta ra sao. Chính vì vậy, trong Đền Thờ và sau này ở dưới chân thập giá, chỉ mình Mẹ mới có thể dâng con Mẹ cho Chúa Cha với một “trái tim thấu hiểu”. Nơi bí tích Thánh Thể chúng ta hãy xin Mẹ Maria dạy chúng ta nhận biết thánh tâm Chúa Giêsu và nhận ra rằng, chúng ta có một kho tàng thật vô tận ở giữa chúng ta khi, nhờ của lễ hiến dâng là Chúa Giêsu, chúng ta chia sẻ sự tự hiến một lần cho tất cả của Chúa Giêsu.

      Khi Mẹ Maria ở giữa các môn đệ đang chuyên cần cầu nguyện và chờ đợi được ban Thánh Thần, chắc chắn Mẹ cũng tham dự Tiệc Thánh Thể mà các Tông Đồ cử hành, ít nhất là  sau Lễ Ngũ Tuần:

        “Làm sao cảm nghiệm được những tâm tình của Mẹ Maria khi Mẹ nghe từ miệng thánh Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê và các Tông Đồ khác những lời đã được cất lên trong bữa Tiệc Ly: “Này là mình thầy bị hiến tế vì anh em [Lc 22,19]”? Thân thể bị hiến tế vì chúng ta và hiện diện dưới những dấu chỉ của bí tích cũng là chính thân thể mà Mẹ đã cưu mang trong lòng! Đối với Mẹ Maria, lãnh nhận bí tích Thánh Thể, dù thế nào đi chăng nữa thì đó là một lần nữa đón nhận vào trong lòng trái tim đã đập cùng một nhịp với trái tim Mẹ và sống lại những gì Mẹ đã cảm nghiệm khi ở dưới chân thập giá.” (Ecclesia de Eucharistia, 56)

      Đón nhận Đức Chúa Phục Sinh trong bí tích Thánh Thể, Mẹ Maria đã đón nhận chính thiên đàng trong linh hồn mình. Quyền năng của Chúa Thánh Thần đã bắt đầu hoạt động trên thế gian này và quyền năng ấy chuẩn bị cho linh hồn và thân xác của Mẹ ngày Lên Trời. Mẹ sẽ cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta hầu thân xác của chúng ta được chữa lành khỏi sự thống trị của những đam mê tội lỗi và được thông phần những nhân đức, sự tốt lành, lòng trắc ẩn, sự nhẫn nại, và lòng khiết tịnh của Mẹ.

Theo Rock A.Kereszty .


                
   
 
 
     

Nên rước lễ bằng tay hay bằng miệng?


Đối với một số người, rước lễ bằng tay có vẻ thiếu tôn kính với Mình Thánh Chúa Kitô. Hôm trước ngày chịu nạn, trong lúc lập phép Thánh Thể, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, đọc lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ” (Lc 22, 19). Chắc chắn là các môn đệ đã cầm bánh thánh trong tay của mình. Giáo hội cũng đã tiếp tục làm như thế trong suốt mười thế kỷ đầu. Sử liệu không thiếu để minh chứng việc này.
Việc rước lễ bằng miệng chỉ xuất hiện sau đó. Một đàng, Giáo hội chống mọi hình thức ma thuật và tục lệ mê tín dị đoan (thí dụ: chôn bánh thánh trong đất ruộng để mùa gặt được tốt) dẫn đến việc rước lễ bằng miệng. Đàng khác, do người ta ngày càng nhạy cảm về tính chất thiêng liêng của Mình Thánh để rồi đi đến suy nghĩ cho rằng chỉ có linh mục mới có quyền đụng đến bánh thánh.
Rước lễ bằng tay và rước Máu Thánh Chúa được tái lập bởi Công Đồng Vaticanô II.
Ngày nay người tín hữu được tự do chọn một trong hai cách rước lễ. Cách nào hay hơn đối với từng người? Điều cốt yếu là mỗi người tham dự bữa tiệc Thánh Thể và đón rước Mình Thánh Chúa Kitô với tất cả lòng cung kính.
(Trích từ tập sách "40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ" của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Có thể thay thế bánh miến và rượu nho bằng các thứ khác khi dâng Thánh lễ?

( chẳng hạn bằng cơm và trà ở Á Châu, hoặc bằng bánh khoai mì và rượu thốt nốt bên Phi Châu ... )


Ngày nay, Kitô giáo được loan truyền khắp thế giới và Công Đồng Vaticanô II mong muốn mỗi dân tộc diễn tả đức tin theo truyền thống văn hóa riêng của mình. Vậy tại sao không thích nghi bữa tiệc Thánh Thể với bữa ăn truyền thống của mỗi dân tộc ?
Bánh miến (làm bằng bột mì) và rượu nho có vẻ quá gắn bó với nền văn hoá Cận Đông và Tây Phương. Nhưng bạn đừng quên rằng Chúa Giêsu là người Do-thái, chính Người đã dùng bánh miến và rượu nho để lập phép Thánh Thể.
Dùng bánh miến và rượu nho cũng là một cách để nhớ lại rằng Thiên Chúa đã đi vào Lịch Sử. Mạc khải Kitô giáo đã được thực hiện trong một nơi chốn rõ rệt và một thời điểm nhất định. Khi chúng ta tuân theo huấn lệnh của Chúa Giêsu "Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy", chúng ta phải để ý đến những điều kiện cụ thể này của việc Người nhập thể.
Đàng khác, bạn đừng quên biểu tượng phong phú của bánh miến và rượu nho trong Kinh Thánh, thí dụ:
- "Thầy là bánh hằng sống" (Gioan 6, 35.48). "Thầy là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời" (Gioan 6, 51). (Bánh ở đây phải hiểu là bánh miến).
- "Thầy là cây nho thật" (Gioan 15, 1). "Thầy là cây nho, các con là ngành nho..." (Gioan 15, 5).
"Bánh miến" và "cây nho" là hai đề tài rất thường gặp trong Kinh Thánh.
Do đó, hai thứ thực phẩm này, hơn hẳn mọi thứ khác, nêu bật ý nghĩa về mối giao ước mới và vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và loài người, được đóng ấn trong Đức Giêsu Kitô và được cử hành trong mỗi thánh lễ.

Cử hành Thánh lễ với loại rượu nho nào?



Qui luật duy nhất là dâng thánh lễ với rượu nho tự nhiên và nguyên chất, nghĩa là không pha trộn với chất nào khác.
Tại nhiều xứ không trồng nho được, người ta sử dụng rượu nho tự nhiên có nồng độ hơi cao một tí, như rượu Porto chẳng hạn, để có thể giữ được lâu.
Trước thế kỷ thứ XVI, người ta thường dùng rượu nho đỏ (hiện nay, phụng vụ theo truyền thống Byzantine, bên Đông Phương, vẫn còn duy trì tập tục này). Vào thế kỷ thứ XVI tại Tây Phương, khi người ta bắt đầu dùng khăn lau để tráng chén lễ, người ta thích dùng rượu nho trắng hơn để dâng lễ vì ít để vết.

Tại sao phải dùng bánh không men trong Thánh Lễ?


 Luật hiện hành của Giáo Hội buộc rằng: Thánh lễ phải được cử hành với bánh không men (Giáo luật, số 926).    Nhưng ngày xưa không hẳn thế. Vào giữa thế kỷ II, Thánh Justinô cho biết là giáo dân đem bánh nướng tại nhà mình đến để dâng lên bàn thờ. chắc chắn rằng đó là bánh nướng được làm dậy bằng men. Cho tới thế kỷ XI, người ta chấp nhận cả bánh có men lẫn bánh không men để cử hành Thánh Lễ. Vào giữa thế kỷ XI, giáo hội Tây phương có thói quen dùng bánh không men.      Tại sao bánh có men được thay dần bằng bánh không men ?     1. Trước tiên vì theo gương Chúa Ki-tô. Theo các thánh sử Mat-Thêu (26-17),m Mac-cô (14,12) và Lu-ca (22,7-8), bữa tiệc ly là tiệc lễ Vượt Qua, trong đó người ta dùng bánh nướng không men để tưởng nhớ ngày đân Do-Thái, do phải vội vã lên đường trốnkhỏi Ai-cập, họ không đủ thời gian để chờ bột dậy men rồi dem nướng. Dùng bánh không men là cách để nhắc nhở việc ấy     2. Vào thế kỷ XII, việc tôn kính Thánh Thể trở nên phổ biến và được thực hiện một cách tỉ mỉ. Người ta cố giữ làm sao không cho mẫu bánh vụn nào rơi xuống đất. Bánh không men được xét là thích hợp hơn để dâng Thánh Lễ vì ít bở hơn và nhẹ hơn bành có men. Vả lại, với bánh không men, người ta làm được dễ dàng những tấm bánh trắng và đẹp, dấu chỉ sự tinh truyền của lễ vật chúng ta dâng. Hơn nữa, với bánh không men, người ta dễ làm ra các bánh nhỏ dành cho giáo dân.     3. Thánh Lễ là dấu chỉ của sự hiệp nhất. Do giáo hội phương đông vẫn duy trì bánh không men, nên việc chúng ta cũng dùng bánh không men để biểu lộ sự hiệp nhất với các tín hữu đông phương.     4. Thánh Lễ không phải là bữa tiệc như những bữa tiệc khác. Dùng loại bánh đặc biệt nói lên tính chất đặc thù của bữa tiệc Thánh Lễ.  

Kinh Kính Mừng Thánh Giuse


Kính mừng Giuse, đầy ơn Chúa, Đấng Cứu Thế được Ngài âu yếm dưỡng nuôi, và tận tình chăm nom săn sóc. Ngài thật diễm phúc hơn hết mọi người nam, và Giêsu Con Chí Thánh của bạn thanh khiết Ngài thật diễm phúc.

Thánh Giuse, Cha nuôi Con Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con trong những lo âu hồn xác hiện nay, và xin thương phù giúp chúng con trong giờ lâm tử.
Amen.


Imprim potesti
J.B Trần đức Huyên
Cens.Deputatus

Imprimatur
+J.B. Phạm Minh Mẫn
Archiepiscopus S.G
Civ.Saigon. die 27.1.2000